Số bệnh nhân ngoại trú xê xích tùy theo từng ngày trong tuần lễ, nhưng kể trung bình thì mỗi ngày có khoảng 150-160 người đến bệnh viện. Trên của các phòng đều có treo những biển bề: "Bác sĩ nội khoa", "Bác sĩ da liễu", "Bác sĩ niệu học", "Bác sĩ phẩu thuật", "Bác sĩ phụ khoa", "Phòng phẫu thuật thẩm mỹ", "Khoa nhiễm xạ". Thế" nhưng số bác sĩ làm việc thường xuyên ở bệnh viện Oriental không lấy gì làm đông; chỉ có bác sĩ nội khoa Kawahara, hai bác sĩ phẫu thuật là Naôê và Kôbasi, bác sĩ nhi khoa Marayama, kể cả bác sĩ trưởng nữa là năm người. Ngồi tiếp bệnh nhân ở phòng phẫu thuật thẩm mỹ cũng là Naôê, còn ở phòng niệu học và phòng phụ kho thì cứ mỗi tuần hai lần, có hai bác sĩ ở bệnh viện của trường đại học M. đến làm việc. Nữ y tá, kể cả y tá cấp một và tập sự, ở bệnh viện Oriental có cả thẩy hai mươi hai người. Bác sĩ trưởng Yutarô Ghyôda chuyên về nội khoa, nhưng mấy năm gần đây hầu như không xuất hiện ở ở các phòng bệnh nhân nữa, mà giao hết công việc này cho Kawahara vốn và bạn thân của ông. Bản thân ông ta chỉ quan tâm đến cái ghế hội đồng dân biểu thành phố và công việc quản trị Hội liên hiệp Lương y, vốn là những công việc rất xa với y học. Thảng hoặc có khi nào bệnh viện tư của ông được người ta nhắc đến thì ông than thở rằng nó chẳng đem lại một chút lợi nhuận nào. Tuy vậy cái bệnh viện Oriental vẫn được coi là một bệnh viện khá lớn không riêng gì trong khu mà ngay cả trong toàn thành phố Tokyo nữa.
Ban đêm thường có hai nữ y tá ở lại trực. Cổng chính cửa bệnh viện - cổng dẫn thẳng vào phòng cấp cứu - mở cho đến tám giờ tối. Sau tám giờ thì cổng sẽ đóng, ai đến phải bấm chuông.
Tối hôm ấy trong bệnh viện không có sự cố gì - cứ như thế mọi người đều biết trước rằng bác sĩ trực sẽ đi đâu mất tăm. Chỉ có cụ Isikura kêu đau, với lại Sughimôtô, anh chàng trẻ tuổi nằm ở tầng ba, đến xin thuốc cảm lạnh. Những bệnh nhân ngoại trú đến sau năm giờ, khi phòng khám thường đã chuẩn bị nghỉ, cũng không nhiều; hai người đến thay băng thêm hai người nữa đến tiêm thuốc theo lời dặn của bác sĩ điều trị.
Những bệnh nhân chấn thương, thường thường cứ hai ngày đến một lần, hôm nay cũng không phải đến. Dĩ nhiên Nôrikô tự ý cho thuốc cảm và thay băng mà không có chỉ thị của bác sĩ trực như vậy là vi phạm điều lệ, nhưng cô không dám quấy rầy Naôê vì những chuyện không đâu như thế. Nôrikô biết rất rõ mình phải làm gì; vả chăng nếu cô có tự dưng nảy ra cái ý gọi điện cho ông ta, thì chẳng qua cũng sẽ được nghe ông trả lời là: "Tốt lắm, cứ thế mà làm".
Đến chín giờ, đèn ở các phòng bệnh nhân đều đã tắt hết, mà Naôê vẫn chưa thấy về. Công việc có thể coi như là đã xong xuôi, cho nên Nôrikô mở một cuốn tiểu thuyết và bắt đầu thả hồn vào cái thế giới ư cấu của một nữ văn sĩ đang thời thượng viết về tình yêu. Kaôru mở máy thu hình, chỉnh cho máy kêu khe khẽ, và bắt đầu theo dõi chương trình hòa nhạc. Phòng trực của nữ y tá ở tầng ba, bên phải thang gác, các cửa sổ đều trông ra một ngõ hẻm vắng không có lấy một bóng người qua lại. Màn cửa sổ bao giờ cũng vén ra hai bên, và trong khoảng lở có thể nhìn thấy cảnh đô thành lấp lánh muôn vạn ánh đèn đêm. Đến chín giờ rưỡi chương trình nhạc kết thúc. Kaôru vươn vai ngáp dài. Cô đến bệnh viện từ sáng sớm vào lúc tám giờ, ăn trưa xong thì đi học lớp dự bị, sau đó lại trở về bệnh viện trực đêm. Đến giờ này cô đã mệt nhoài ra. Biết làm thế nào được? Đành phải kiên nhẫn chịu đựng vài năm.... Nôrikô cúi đầu đọc sách, tóc rũ cả xuống tận mặt.
Kaôru tắt máy, ngồi nhìn ra cửa sổ.
- Chị ạ, tiên sinh vẫn ở ngoài tiệm rượu à?
- Không biết.
Nôrikô rời cuốn sách. Cô đọc gần hết.
- Có lẽ ta pha tí cà-phê nhỉ?
- Ờ, hay đấy.
Kaôru nhanh nhẹn đứng dậy thắp bếp ga. Ở góc phòng sau tấm màn trắng có thể trông thấy mờ mờ một cái giường ghép đôi và hai cái tủ con. Cà phê và chén tách đặt ở ngăn trên cùng. Kaôru lấy bình cà-phê bột không cặn và lọ đường, đặt cả lên bàn.
- Mấy viên đường?
- Một thôi.
Bây giờ, khi tivi đã im tiếng, từ ngoai cửa sổ lùa vào cái tiếng rì rầm thoang thoảng của thành phố ban đêm.
- Ôi, chút nữa thì đổ hết... - Kaôru thận trọng đặt tách cà phê xuống trước mặt Nôrikô.
- Cảm ơn.
- Sao lâu về thế nhỉ... Không biết đứng có còn vững được nữa không?
Không trả lời thì không tiện; Nôrikô đành nói lùng bùng cái gì đó không rõ, và vội vành nốc hết chén cà phê.
- Nhỡ có tai nạn thì sao? Hay là có ca mổ cấp bách? Lúc bấy giờ biết làm thế nào?
Chương 2:
Yutarô Ghyôđa, bác sĩ trưởng của bệnh viện Oriental ngụ ở khu Mêgurô, phố Kakinôkidzaka. Đi xe hơi đến bệnh viện hết chừng mười lăm phút. Hai vợ chồng ông Ghyôđa ở chung với hai người con đã lớn cả - Người con trai là Yudzi và người con gái là Mikikô. Yudzi hai mươi mốt tuổi. Cậu cương quyết chống lại ý đồ của bố mẹ muốn nuôi dạy cho cậu trở thành bác sĩ, nhất định vào học khoa kinh tế ở trường đại học T.. Mikikô hơn em hai hai tuổi. Năm ngoái cô vừa tốt nghiệp khoa văn học Anh ở trường đại học nữ sinh. Cô không đi làm, mà ở nhà giúp mẹ trong công việc nội trợ và giúp đỡ bố ở bệnh viện. Trên thực tế cô là thư ký riêng của cha cô, chuyên lo những công việc văn thư. Ở bệnh viện Oriental, có hơn bốn mươi người làm việc, và Yutarô bây giờ không đủ sức một mình đương hết những công việc lo toan. Bản thân ông rất ít khi đến bệnh viện. Quả tình ở đấy đã có viên quản lý sự vụ và cô y tá trưởng nhưng ông Yutarô lẽ nào có thể việc gì cũng giao phó hoàn toàn cho những người dưng? Chẳng hạn khi giải quyết những vấn đề tiền nong ông không thể nào thiếu bà vợ hay cô Mikikô được. Thường thường mỗi khi đến bệnh viện, thoạt tiên ông ngồi uống trà, giở xem các sổ trực đêm, nghe viên quản lý và bà y tá trưởng báo cáo về tình hình ngày hôm qua, rồi sau đó ông tiếp các bệnh nhân - chỉ riêng những bệnh nhân nào có ai giới thiệu gửi gắm cho ông. Nói chung đến mười hai giờ trưa là tất cả những công việc của bệnh viện đều đã được giải quyết xong xuôi.
Sau bữa ăn trưa Yutarô đi họp hay đi gặp người này người nọ có công chuyện làm ăn với ông. Đã mấy năm nay phần lớn thì giờ và sức lực của ông không được dành cho y học nữa, mà dành cho những buổi họp ở Hội đồng đô thị và cho công việc quản lý ở Hội lương y. Vả chăng sự tình này cũng hoàn toàn vừa ý ông.
Hôm ấy, cũng như thường lệ, đến chín rưỡi Yutarô ăn bữa sáng - gồm có thịt rán và xa-lach rau quả - và uống chén trà. Yutarô người không cao nhưng vạm vỡ, và gần đây lại phát phì ra nữa, đồng thời huyết áp cũng tăng lên khá nhiều. Sau một cuộc công kích kéo dài suốt một năm trời của bà hiền thê yêu quý, ông Yutarô cuối cùng đành phải nhượng bộ và bằng lòng với những bữa ăn sáng thanh đạm theo kiểu Âu châu. Nhưng trong bữa ăn trưa và ăn tối, vì không nỡ từ chối bản thân những lạc thú ở đời, ông vẫn một mực ăn nhiều cơm và mì. Trong các bữa tiệc, nếu không có những món ăn Nhật bản thì ông ăn chẳng còn thấy ngon miệng chút nào nữa. Trong các món uống, Yutarô chỉ thực sự ưa thích rượu sakê, nhưng cùng lắm không có sakê thì ông cũng có thể dùng tạm rượu whisky được.
Sau bữa ăn sáng, Yutarô vừa nhấm nháp chén cà phê vừa thong thả đọc qua mấy tờ báo. Ở phòng bên vợ ông đang ngồi trang điểm. Bà Ritsukê, năm nay đã bốn mươi tám, trẻ hơn chồng bảy tuổi, và nhờ cái thân hình cao dong dỏng, đứng cạnh ông chồng bà trông còn trẻ hơn nhiều. Dĩ nhiên năm tháng vẫn in dấu ấn của nó lên nhan sắc của bà; làn da đã mất cái mịn màng xưa kia, song gương mặt với đôi mắt to và sống mũi thanh tú của bà vẫn còn giữ được những di tích của thời oanh liệt đã qua. ...