Tôi tiếp lời ông: "Đúng vậy, con người không thể kiêu ngạo nhưng phải có cốt cách, bố tưởng ai ai cũng là Chị Giang sao?" (Chị Giang là tên gọi thân mật của liệt sỹ cách mạng Giang Trúc Quân. Bà bị kẻ địch giết hại và đốt xác hủy chứng cứ năm 1949. Chị Giang trở thành nhân vật quen thuộc trong các tác phẩm nghệ thuật).
Bố tôi quay đầu: "Con nói gì cơ?"
Tôi giật mình rụt cổ, vội nói lấp liếm: "Không có gì ạ, đến giờ mẹ ăn cơm rồi".
Bố tôi bỏ cặp lồng giữ nhiệt vào tay tôi và giục tôi đi bệnh viện. Sau khi ăn cơm xong, tôi và mẹ trò chuyện một lúc. Nhắc đến chuyện bệnh viện chật ních bệnh nhân, mẹ tôi nói bà gặp may mắn, từ ICU ra ngoài gặp đúng phòng bệnh hai giường còn chỗ trống. So với phòng sáu giường ồn ào, nơi này không khác gì thiên đường.
Bệnh nhân ở giường bên cạnh đột ngột nói xen vào: "Bác đừng nói đùa, đây đâu phải bác gặp may, rõ ràng có mối quan hệ với lãnh đạo bệnh viện mới được như vậy. Bác không để ý đến ánh mắt và thái độ của các cô y tá với bác sao? Bình thường bọn họ chẳng coi ai ra gì, nếu không phải có người dặn dò liệu bọn họ có tươi cười vui vẻ với bác như gió xuân về không?"
Mẹ tôi tỏ ra nghi hoặc: "Không thể nào, nhà chúng tôi đâu có quen biết gì lãnh đạo bệnh viện này?"
Tôi cúi đầu không lên tiếng, trong lòng tôi biết rõ ai là người thu xếp ở đằng sau.
Vừa về đến nhà tôi liền gọi điện thoại cho Trình Duệ Mẫn, cám ơn sự giúp đỡ của anh trong thời gian qua. Giọng nói của anh vẫn ấm áp và dễ nghe như vậy, dù không giáp mặt nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận thấy nụ cười dịu dàng của anh: "Em đừng khách sáo, anh vẫn nói câu cũ, Gia Ngộ là người anh em tốt nhất của anh. Nếu một ngày nào đó anh gặp khó khăn, cậu ấy cũng sẽ giúp đỡ anh như vậy".
Tôi không khỏi cảm động trước tình bạn đơn thuần của bọn họ, vì vậy tôi không nói những lời sáo rỗng, chào tạm biệt anh và cúp máy. Sau đó tôi ước chừng thời gian rồi gọi điện thoại về nhà ở Odessa tìm Tôn Gia Ngộ.
Thế nhưng chuông đổ hồi lâu mà không có ai nhấc máy, tôi lại gọi vào di động của Tôn Gia Ngộ nhưng anh vẫn tắt máy.
Tôi cảm thấy rất bất an, hình như từ ba bốn ngày nay tôi không thể liên lạc với anh. Mỗi lần gọi điện thoại cho anh, di động đều ở trạng thái tắt máy, điện thoại bàn ở nhà cũng không có ai nghe.
Tôi thấp thỏm không yên, không biết anh đang làm gì? Anh có ổn không? Sức khỏe của anh liệu đã hồi phục như trước?
Lúc này là cuối tháng sáu, Bắc Kinh bắt đầu bước vào mùa hè nóng bức và ẩm ướt. Khí sắc của mẹ tôi cũng tốt hơn nhiều, có lúc nhân cô y tá không để ý, tôi đưa mẹ về nhà nghỉ ngơi.
Một ngày, cả nhà tôi mở cuộc họp gia đình, thảo luận về sự nghiệp học hành của tôi.
Tôi tuyên bố quyết định tôi đã suy nghĩ kỹ: "Con muốn tạm thời bảo lưu kết quả học tập ở bên đó, về Bắc Kinh tìm việc làm".
Ở nhà một thời gian khá dài, cuối cùng tôi cũng đã nhìn ra hiện thực mà bấy lâu nay tôi không bận tâm.
Từ trước đến giờ bố mẹ tôi có thu nhập không tồi nhưng khối lượng công việc cũng rất lớn. Trong một năm tới đây, mẹ tôi chắc chắn không thể nhận thêm dự án ngoài mà chỉ có thể sống dựa vào mức lương cơ bản. Với tình hình hiện nay, gia đình tôi quả thật không nuôi nổi một du học sinh.
Nhưng phản ứng của bố mẹ quyết liệt ngoài dự liệu của tôi.
Bố tôi rất tức giận: "Mai Mai, bố mẹ đã sống qua nửa đời người rồi, cuộc đời con mới chỉ bắt đầu, bố mẹ không muốn làm nhỡ tiền đồ của con".
Tôi cắn môi không chịu lên tiếng.
Mẹ tôi sốt ruột đến mức rơi lệ: "Triệu Mai, con lập tức đi Ukraine cho mẹ, nếu không mẹ sẽ ngừng việc trị liệu".
Trước thái độ kiên quyết của bố mẹ, tôi đành phải thỏa hiệp, đồng ý quay về Odessa, giải quyết nốt một số việc còn dang dở ở cuối học kỳ trước. Nếu sức khỏe của mẹ tôi ổn định, kỳ nghỉ hè tôi sẽ ở lại Odessa, một là để tiết kiệm tiền đi lại, hai là bổ túc tiếng Ukraine.
Nhưng tôi nói từ nay về sau bố mẹ không cần gửi tiền ăn học cho tôi.
"Vậy sau này con sống kiểu gì?" Ba tôi không hiểu.
Tôi đáp: "Con có thể đi làm thêm, ví dụ như dạy đàn piano cho tụi trẻ, vừa dễ kiếm tiền lại không mất công sức".
Miệng nói thế nhưng trong lòng tôi hiểu rõ, làm thêm không phải chuyện dễ dàng. Một du học sinh Trung Quốc tiếng Nga không thông thạo như tôi muốn kiếm tiền, con đường duy nhất là đi bán hàng ở ngoài chợ "Bảy km" hoặc đi làm nhân viên phục vụ trong casino.
Thu nhập ở hai nơi này chỉ có thể bảo đảm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, còn khoản học phí là ước mơ xa vời. Sở dĩ tôi dám nói mạnh mồm như vậy là vì bên cạnh tôi còn có Tôn Gia Ngộ.
Tuy nhiên tôi chưa có cơ hội thương lượng với Tôn Gia Ngộ chuyện đó, bởi tôi vẫn không thể liên lạc với anh.
Tôi lật hết danh sách trong điện thoại mới chán nản phát hiện, ngoài một số bạn học, tôi chỉ có số điện thoại của một mình Tôn Gia Ngộ. Lão Tiền và Khâu Vĩ ngày ngày gặp mặt nhưng tôi không có số điện thoại của bọn họ.
Tôi thử gọi điện đến cửa hàng của Valeria, chị ta còn tỏ ra mơ hồ hơn tôi: "Lâu rồi tôi không gặp anh ấy, cô không ở Odessa sao?"
Tôi phiền não cúp điện thoại, tiếp tục cắn móng tay suy nghĩ xem làm thế nào để liên lạc với anh. Nghĩ đến chuyện một tuần sau mới có chuyến bay sang Ukraine, nỗi lo lắng trong lòng tôi ngày một lớn.
Đêm trước hôm trở lại Ukraine, tôi đi ngủ từ sớm. Tôi đang ngủ ngon giấc, đột nhiên có tiếng gõ cửa và giọng nói của bố tôi: "Mai Mai, điện thoại từ Ukraine".
Tôi lập tức bật dậy, nhảy xuống giường và lao ra ngoài phòng khách nhấc điện thoại.
"Anh có lương tâm không hả? Chết ở đâu mà không chịu gọi điện cho em?" Tôi nói rất nhanh, trong lòng như trút bỏ một tảng đá đè nặng bấy lâu.
Nhưng đầu bên kia trầm mặc một lúc lâu. Tôi cất giọng nghi hoặc: "Alo!"
"Triệu Mai". Cuối cùng cũng có tiếng nói khàn khàn vọng đến.
Trái tim tôi lại chìm xuống. Đầu bên kia là Bành Duy Duy.
"Cậu tìm tôi có việc gì?" Tôi cố gắng kiềm chế, cố giữ giọng bình tĩnh.
Đầu bên kia lại trầm mặc.
Tôi ngẩng đầu nhìn đồng hồ treo tường, bây giờ đã là hai giờ sáng, tám giờ tối ở Odessa.
"Không có gì". Bành Duy Duy cất tiếng cười khẽ, nghe như tiếng chuông ngân. Trong đêm tối tĩnh mịch, giọng nói của cô trở nên vô cùng kỳ lạ: "Triệu Mai, Odessa đêm nay trăng rất sáng, sáng như ban ngày. Bắc Kinh có ánh trăng không?"
Qua ngữ điệu của cô, có thể thấy cô đã uống say.
Tôi cố gắng kìm nén nộ khí đã bốc lên đỉnh đầu. Tôi sợ kinh động đến bố nên hạ thấp giọng: "Bây giờ ở Bắc Kinh là hai giờ sáng. Có gì ngày mai chúng ta nói sau được không?"
Đầu dây bên kia không có bất cứ tiếng động nào.
Tôi nắm chặt điện thoại chờ đợi. Đợi đến khi tôi quay về Odessa, tôi còn một món nợ cần thanh toán với Duy Duy.
Duy Duy vẫn không chịu lên tiếng. Một lúc sau tôi nghe tiếng cạch, điện thoại đã bị cắt đứt.
Tôi tỉnh táo hoàn toàn nên khoanh tay ngồi một lúc lâu. Cuối cùng tôi cầm điện thoại, bấm đi bấm lại mấy con số đã thuộc lòng.
Vẫn là tiếng Ukraine: Xin lỗi, số bạn vừa gọi đã tắt máy.
...