Tuy nhiên, dù tôi học được nhiều điều bổ ích từ những lời khuyên và từ những sai lầm của người khác, trong một thời gian rất dài tôi dường như cần phải nếm trải những sai lầm của chính mình thì mới học được những bài học xương máu và trở nên khôn ngoan hơn. Giờ đây tôi quyết tâm trở thành một học trò siêng học.
Nếu bạn và tôi có thể học được dù chỉ một bài học từ mỗi người mà chúng ta biết, thì chúng ta sẽ trở nên khôn ngoan đến mức nào nhỉ? Chúng ta sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền bạc, nỗ lực và thời gian? Khi những người thân và bạn bè của chúng ta đưa ra lời khuyên, tại sao chúng ta lại không thể nghe theo lời khuyên của họ, không tiếp thu những bài học và thực hiện những điều chỉnh cần thiết?
Bạn chỉ làm tăng thêm sự căng thẳng khi nghĩ rằng bạn phải khắc phục, hàn gắn mọi thứ ngay lập tức! Thực ra, một số cuộc khủng hoảng đòi hỏi bạn hành động ngay tức thì, nhưng hành động có thể bao gồm cách giải quyết vấn đề từng bước, từng bước một. Một thành viên trong ban cố vấn của tôi đã có lần chỉ rõ điều này khi ông nói: “Nick, cậu có biết cách tốt nhất để ăn cả một con voi không? Hãy ăn từng miếng, từng miếng một”.
Chương 5: Hãy khiêm tốn
Trong nhiều năm, cha tôi - người theo nghề kế toán - đã luôn nói rằng tôi phải cẩn thận trong việc quản lý tài chính, phải dành dụm nhiều hơn chi tiêu, trước khi bắt đầu một dự án mới thì phải có dự thảo ngân sách ở trong đầu.
Tôi không nghe theo lời khuyên của cha. Chúng tôi có tính cách khác nhau.Tôi là một kẻ liều lĩnh còn cha tôi thận trọng hơn tôi nhiều. Đây đâu phải là thời điểm để dành dụm; đây là thời điểm để đầu tư và gieo trồng. Tuy nhiên thất bại đã cho tôi thấy khiêm tốn là một phẩm chất thú vị bởi vì nếu bạn không có nó, thì sớm muộn gì bạn cũng phải có thôi. Hãy tưởng tượng tôi đã khiêm tốn như thế nào để chấp nhận năm mươi nghìn USD như một khoản vay cá nhân để cứu công ty của mình!
Đau đớn đấy, nhưng đó là nỗi đau mà tôi đã tự chuốc lấy. Ngạn ngữ có câu: “Kiêu ngạo đi trước bại hoại theo sau, và tính tự cao dẫn đường cho thất bại”. Nhìn lại thất bại của mình, tôi hiểu ra rằng trong một số lĩnh vực của đời sống tôi đã thiếu sự khiêm tốn. Tại sao sự khiêm tốn lại quan trọng đối với chúng ta khi chúng ta trải qua khủng hoảng? Trước hết, có thể bạn cảm thấy ngượng nếu như do một sai lầm hoặc một thất bại mà bạn lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Nói theo cách khác, bạn cảm thấy mình thật kém cỏi. Phát điên, khóc lóc, hoặc đầu hàng sẽ không thay đổi được điều đó, và phản ứng bằng những cảm xúc tiêu cực có thể chỉ càng khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn và khiến mọi người rời xa bạn mà thôi.
Lời khuyên của tôi là bạn nên nắm lấy sự khiêm tốn mới được tìm thấy của mình. Một số vận động viên bóng chày phản ứng một cách giận dữ trước thất bại. Họ đập gậy bóng chày vào đầu gối, ném mũ vào người mang nước cho các cầu thủ, đá vào tường. Những cầu thủ khác khiêm tốn chấp nhận rằng thất bại là một phần của cuộc chơi, và họ nhắc nhở mình lần tới không lặp lại những sai lầm đã mắc phải. Vậy đấy, khiêm tốn không phải là điều xấu bởi nó giúp bạn học được những điều bổ ích từ trải nghiệm của mình. Thực ra có những người tin rằng con đường đúng đắn nhất dẫn tới sự khai sáng là con đường của sự khiêm tốn.
Khi tôi còn nhỏ, tôi ghét phải nhờ người khác giúp đỡ. Tôi cảm thấy mình thật kém cỏi khi phải nhờ người khác giúp mình ăn, giúp mình ngồi xuống ghế hoặc đưa mình vào nhà vệ sinh. Tôi không thích mình kém cỏi như vậy. Có những lợi ích và những phần thưởng nhất định trong việc trở nên độc lập, đó là tìm ra cách thức để tự làm lấy những việc của riêng mình. Không phải tôi nói sự nhờ vả là xấu, nhưng sự tự lực đầy ngoan cố của tôi đôi khi khiến tôi thành kẻ lôi kéo, thậm chí ép buộc người khác phải giúp đỡ mình.
Thay vì đơn giản là nhờ giúp đỡ tôi đã không thể chấp nhận, để rồi cuối cùng cũng phải nhận lấy ân huệ từ người khác, chẳng hạn như em trai tội nghiệp của tôi, Aaron, người mà tôi thường coi như người chăm sóc của mình hơn là em trai. Xin lỗi nhé, Aaron! Tôi không nhận ra rằng thỉnh thoảng mình rất ích kỷ, nôn nóng và kiêu ngạo. Đã nhiều lần tôi cảm thấy mình đáng được đối xử một cách đặc biệt. Nhưng tôi đã xin Aaron tha thứ cho tôi, và mặc dù anh em tôi không gặp nhau thường xuyên bởi chúng tôi sống cách xa nhau, cậu ấy vẫn là người bạn tốt nhất của tôi, là người tôi rất khâm phục và tôn trọng. Tôi rất ngạc nhiên khi em tôi đủ lớn để tống tôi vào tủ và khóa tủ lại nhưng cậu ấy đã không làm điều đó. Đôi khi tôi đáng bị như vậy.
Tôi đã có thể coi giai đoạn khủng hoảng này là một sự nhắc nhở nữa về sự khiêm tốn góp phần giúp tôi phục hồi. Tôi đã cư xử như thể tôi phải mang toàn bộ gánh nặng trên đôi vai của mình. Đó là một cách phản ứng kiêu ngạo và quá quắt, và nó cho thấy rằng niềm tin của tôi dành cho Chúa và cho những người sống xung quanh tôi không tỏa sáng.
Moses, nhà lãnh đạo và là nhà tiên tri vĩ đại, là một người khiêm tốn nhất trên đời. Ngài biết rằng bạn không thể trở thành nhà lãnh đạo nếu như không một ai tình nguyện theo và làm việc cùng bạn. Một người kiêu căng không nhờ ai giúp bất cứ việc gì và do đó sẽ trở thành một người thiếu năng lực. Một người kiêu căng tuyên bố rằng mình biết tuốt và vì vậy anh ta thiếu những khả năng cần thiết. Một người khiêm tốn thu hút được những người có thể giúp đỡ, những người thầy đến với mình. Tôi đã từng nghe một người cha nói với con trai là một sinh viên mới tốt nghiệp đại học rằng cậu nên bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của mình với thái độ đúng mực: “Đừng cố khoe khoang với người ta những gì con biết. Thay vì thế, hãy cho họ thấy con muốn học hỏi nhiều như thế nào”.
Nếu bạn cảm thấy mình bị đè bẹp trong một cuộc khủng hoảng, bạn nên khiêm tốn và nhờ người khác giúp đỡ, và đó là một điều tốt. Không ai trong chúng ta có thể thực hiện được những ước mơ của mình mà không cần có sự giúp đỡ của người khác. Chẳng lẽ việc bạn cảm thấy giỏi hơn và tự lo liệu được quan trọng hơn việc thực hiện được những ước mơ của bạn cùng với sự giúp đỡ của những người xung quanh hay sao?
Sự khiêm tốn cũng nuôi dưỡng lòng biết ơn và sự cảm kích, những tình cảm được coi là sự thúc đẩy đối với quá trình hàn gắn vết thương và đạt được hạnh phúc. Không một con người nào giá trị hơn người khác. Trong một hoàn cảnh nào đó tôi đã quên mất chân lý ấy. Sự kiêu ngạo dẫn đến thất bại của tôi đã khiến cho năng lực trí tuệ và tầm nhìn của tôi bị che khuất. Tôi đã phải nhắc nhở mình rằng Chúa không yêu tôi bởi vì công việc kinh doanh của tôi mang lại lợi nhuận hoặc bởi mỗi năm tôi thực hiện hai trăm bảy mươi cuộc diễn thuyết trên khắp thế giới. Chúa yêu tôi bởi vì chính bản thân tôi, và Người yêu bạn vì chính bản thân bạn.
Không phải mọi ngày tôi đều có thể đặt niềm tin của mình vào hành động. Tôi đã quyết tâm biến niềm tin thành hành động – không phải chỉ cầu nguyện mà còn tiến về phía trước với sự suy nghĩ và cân nhắc, sự kiên nhẫn