Còn em, giữa đường phố Hà Nội người đông nghịt, nhưng không có anh bên em, em thấy lòng mình trống trải đến lạnh lùng. Em giao ước là khi cưới nhau rồi, nhất định trong mấy ngày Tết anh phải luôn ở bên em, anh phải đưa em đi chơi Tết, anh không được xa em một bước. Em sợ lắm, cảm giác trống vắng lẻ loi nhất là mấy ngày Tết đến xuân về.
Vậy mà cũng đã 7 cái Tết rồi đấy, chả có Tết nào anh được cùng em đón giao thừa. Ở bên này mùa xuân chỉ có tuyết và tuyết, nhưng lòng anh ấm lắm bởi anh đang nghĩ đến em và con. Anh nghe rõ tiếng mùa xuân vang động trong lòng. Anh thèm khát vô cùng cảm giác ấm áp ở bên em và con. Anh cứ cho rằng mình cứng rắn lắm. Nhưng năm nào cũng vậy, lúc giao thừa gọi điện về cho em, chẳng năm nào anh cầm được nước mắt. Anh những tưởng xa em lâu ngày nước mắt đã lặn vào trong. Đàn ông, con trai ai lại khóc. Nhưng biết sao được, lúc đó anh không thể làm chủ được cảm giác của mình. Hạt ngắn, hạt dài cứ kéo nhau ra như để gội rửa sự nhớ nhung cua một năm dài xa cách. Mỗi lần Tết đến, cảm giác thèm được gần em, gần con, gần gia đình và người thân cứ ầm ào trong anh. Nghĩ lại, thấy mình bao năm vẫn lẻ loi nới đất khách quê người. Làm sao mà không buồn được cơ chứ.
Lúc này, không khí năm mới đang đến gần, em tất tả hoàn thành công việc cuối năm, rồi còn chuẩn bị đi sắm Tết nữa. Thôi, còn một cái Tết nữa thôi. Khi anh trở về, nhà mình sẽ vui thật vui em nhỉ. Em sẽ không bao giờ thấy lẻ loi đâu, bởi không chỉ có anh, mà chúng mình còn có cả cu Bốp nữa. Nhà mình sẽ cùng nhau ngắm pháo hoa, cùng nhau ra chùa thắp hương, xin các cụ phù hộ để gia đình mình mãi mãi bên nhau.
................
2. Giao thừa luôn là một thời khắc vô cùng thiêng liêng trong tâm hồn của mỗi người con đất Việt. Thời khắc mà lòng người như lắng đọng, mọi vật như lặng im để đưa tiễn năm cũ đi qua với những thành công đã đạt được và chào đón năm mới trong niềm hân hoan với niềm tin và hy vọng. Mỗi người trong chúng ta đều có những phút giao thừa của riêng mình, nó in đậm, khắc sâu trong tâm niệm không dễ gì lãng quên. Và tôi cũng vậy, tôi cũng có thời khắc giao thừa mà với tôi nó thật sâu sắc, giản dị và đáng quý đến chừng nào.
Tết Giáp Tuất năm ấy, tôi vừa trong 10 tuổi. Cái tuổi vừa bước qua tiểu học với ê a đánh vần thêm cộng trừ nhân chia để chuẩn bị cắp sách vào trung học lẩm nhẩm công thức kèm cú pháp văn chương.
Hồi đó, quê tôi còn nghèo lắm, đường sá lầy lội, trường học sập xệ, điện đài cũng chưa có. Nhà này cách nhà kia hàng mấy trăm mét, leo lét vài ba bóng đèn dầu lập loè trong đêm tối thật buồn. Đêm 30 Tết cũng vậy, không như bây giờ nhà này có thể nghe nhà kia mổ gà oang oác hay í ới gọi nhau chuẩn bị bày mâm cúng Thiên cúng Địa.
Nhà tôi nằm dưới chân một ngọn đồi nhỏ, cách xa khu tập thể nông trường nên càng quạnh hiu. Nhưng nhờ bóng đèn tăng-xông, một loại đèn dầu rất sáng mà ba mượn được ở đâu đó đem về nên đỡ buồn hơn. Mới 8 giờ tối thôi nhưng cả nhà đã bận rộn lắm rồi. Không khí thật háo hức. Tôi và ba nấu nước làm gà, má cẩn thận xem lại những tem trầu cau, chén chè, giấy vàng mã và rất nhiều thứ khác để chuẩn bị cho một mâm cúng tươm tất, đoàng hoàng theo đúng phong tục Việt Nam. Thằng em mới 4 tuổi nhưng cũng bắt chước má, bày đặt vác cái chổi to đùng quơ quơ khắp nhà.
Và khi cặp loa rè rè của cái tivi trắng đen chạy bằng ắc quy phát ra tiếng pháo hoa đùng đùng từ thủ đô Hà Nội cũng là lúc má tôi bắt đầu khấn vái trời đất cầu nguyện cho cả gia đình một năm mới dồi dào sức khoẻ, ruộng vườn tốt tươi và làm ăn phát đạt. Sau đó, cả nhà thắp hương cho ông ngoại, nhờ ông phù hộ cho con cháu ăn học giỏi giang, gia đình hạnh phúc.
Lúc đó, tiếng pháo nổ đuỳnh đoàng khắp nơi, báo hiệu một năm mới bắt đầu. Tôi vẫn còn nhớ, cha tặng tôi một cây pháo bông dài khoản sải tay người lớn. Thật không thể nào tả được cảm giác sung sướng, ngất ngây của tôi lúc ấy. Nhìn những chùm sáng đầy màu sắc in trên nền đen của bầu trời, thật không có gì tuyệt bằng.
Sau đó, cả nhà ăn bữa cơm đầu năm, thằng em nhỏ xíu không như mọi khi, mắt cứ thao tháo không chút buồn ngủ. Có lẽ cu cậu không biết Tết là gì nhưng cũng cảm nhận phần nào không khí mới lạ của giây phút đầu xuân. Cả nhà quây quần quanh mâm cơm thật ấm cúng, ba má chúc tôi học giỏi, chúc em trai ăn nhiều chóng lớn. Tôi thì e thẹn chúc ba má thật nhiều sức khoẻ.
Nhưng thích nhất vẫn là việc được ba lì xì đầu năm. Lúc ấy, tờ 2000 mới ken đã làm một thằng nhóc như tôi xôn xao thức đến sáng rồi.
Đó là một đêm giao thừa hiếm hoi cả nhà tôi được sum vầy như vậy…
Sau này, vì công việc, do hoàn cảnh nên gia đình ít được tụ họp đầu đủ trong thời khắc thiêng liêng nhất của một năm. Lúc thì ba đi trực cơ quan, lúc thì tôi ở xa chưa về hoặc có khi tôi còn mãi lang thang đâu đó với bạn bè để xem đốt pháo hoa.
Năm mới đến rồi, giờ ngồi đây nghĩ lại, tự dưng thấy thèm lắm. Thèm cái cảm giác của giao thừa ngày ấy, thèm hơi ấm gia đình, thèm được ôm ba ôm má, thèm choàng vai lì xì cho em trai, thèm... thèm nhiều thứ lắm mà không thể nói thành lời.
...................
3. Trở về mái nhà xưa sau những thăng trầm
Đếm thời gian qua nỗi đau rằng xé
Con chợt nhận ra Cha không còn trẻ
Và tóc mẹ đã bạc tự bao giờ
Mẹ gọi điện: Về thôi con! Tết nhất đến nơi rồi. Về lo giúp mẹ sửa soạn Tết. Lạnh thế này đủ chăn ấm không con?
Lạnh thế này đủ chăn ấm không con? Mẹ lúc nào cũng dịu dàng và đầy yêu thương thế. Trong suy nghĩ của Mẹ, con mãi là nhỏ bé. Ngốc dại, yếu đuối và cần được chở che.
Vì con là út nên con hay khóc nhè. Hay nhõng nhẽo đòi mẹ mua kẹo bánh. Hay lăn đùng ra ăn vạ, khi Cha về không có quà giữa ngày đông lạnh. Cũng tại Cha Mẹ chiều con quá đấy thôi.
Mười mấy năm rồi, con xa vòng tay mẹ. Xa những kỷ niệm tuổi thơ đẹp đẽ. Xa căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười và tràn ngập tình thương yêu.
Cuộc đời đón con bằng những cơn gió đổi chiều, Những bão giông cuốn mây bay mù lối. Trái tim con trao vội và lòng người thì giả dối. Lỡ dở rồi, sao vẫn mãi nhớ thương?
Mẹ đã dặn con: Hà Nội không phải chốn thiên đường. Con đã ra đi. Đã trở về. Rồi lại ra đi như thế. Bỏ lại sau lưng ánh mắt buồn của Mẹ và tiếng thở dài thườn thượt của Cha.
Tóc Mẹ đã bạc giờ càng bạc thêm ra. Khoé mắt Cha cũng ngày càng nhiều nếp. Mỗi đêm về mẹ trở mình trằn trọc. Lo con một mình lỡ dại, biết đâu...
Con thật có lỗi khi suy nghĩ chưa sâu. Con cho rằng mẹ là người độc ác, Khi mẹ cấm đoán con giao du với bè bạn, khi mẹ mắng con không biết vâng lời.
Con đã đánh rơi tuổi hai mươi. Bởi ánh hào quang của tiền, tài và danh lợi. Đánh rơi những mối tình thời nông nổi. Để nhặt về vụn vỡ niềm đau.
Mong những ngày đông tháng giá qua mau. Để mẹ của con không còn lập cập mỗi khi ra phố. Cha không còn run lên sau mỗi đợt gió lùa. Cơn hen thôi hành hạ ngực cha.
Cây đào trước ngõ đã nở hoa. Mẹ hãy đợi con về cùng đi sắm Tết. Đợi con về con giúp mẹ dọn dẹp. Đêm giao thừa cùng thức đợi bánh chưng.
Đêm giao thừa háo hức tiền mừng. Của Cha dành cho chị em con như ngày còn bé. Mẹ tất bật xôi gà, cúng, lễ . Rộn ràng niềm vui, hạnh phúc ngập tràn.
Con ước cho tất cả mọi người trên thế gian. Sinh ra trên đời đều có cha có mẹ. Và một điều ước này thật nhỏ bé: Cầu cho Cha Mẹ mãi mãi chẳng bao giờ rời xa con.