Họ tìm người phụ trách và nhanh chóng được thu xếp đến phòng họp dùng để tiếp khách của đài.
Gia Hảo tự tìm vị trí rồi ngồi xuống lặng lẽ đọc sách nghiệp vụ mang theo, những người còn lại ai nấy cũng chuẩn bị sẵn cho mình thứ gì đó tiêu khiển, giết thời gian.
Thoáng cái là hết buổi chiều.
Có lẽ do ban ngày nhàn rỗi quá nên tối đến nằm trên chiếc giường chật hẹp cô mơ một giấc mơ rất lạ. Trong giấc mơ cô thấy hai khuôn mặt nói cười xinh tươi, còn khuôn mặt kia lã chã nước mắt.
Cô mở bừng mắt rồi bật đèn sáng choang.
Cô lôi từ trong túi ra chiếc gương trang điểm, ngắm nghía mình. Người trong gương có khuôn mặt tê cứng, chẳng buồn chẳng vui, thậm chí không có lấy một giọt mồ hôi.
Cô không tài nào chợp được mắt nữa, dứt khoát ngồi bật dậy lên mạng. MSN cài đặt tự động, mở máy là đăng nhập luôn. Cô không ngờ nick của Thiếu Hàng vẫn còn sáng choang, định ẩn nick nhưng không kịp nữa rồi... Cô nhận được ngay tin nhắn của anh.
“Muộn thế này sao em không ngủ?”.
Cô tưởng tượng ra cái vẻ nhau mày khó chịu của anh nên định giải thích dài dòng, nhưng rồi lại xoá hết đi mà căn vặn lại: “Sao anh chưa đi ngủ?”.
Mãi không thấy chàng trả lời cô liền quay sang lướt web. Thấy một tấm thiệp kỳ quái thấy thú vị liền chạy vào trong nhà tắm rồi đứng trước gương lôi điện thoại ra chụp khuôn mặt mình rồi gửi cho chàng. Khi gửi không quên kèm theo một câu: “Nghe nói làm vậy sẽ giúp cho linh hồn thoát tục”.
Chưa đầy hai phút sau chàng lập tức gọi điện ngay cho cô, giọng nói mệt mỏi lộ rõ vẻ chán nản: “Đúng là anh sắp thoát tục đến nơi rồi đây này. Em yêu, sao giờ này chưa ngủ thế?”.
Nàng cười mai mỉa: “Thì do em không ngủ được chứ sao?! Bên anh mưa to đúng không?”.
“Ừ, to, to lắm. Hôm nay bọn anh định ra công trình nhưng chẳng đi được đây này”.
Gia Hảo nghĩ ngợi trong giây lát rồi thốt lên câu: “Anh đi lại cẩn thận nhé!”.
“Anh biết rồi”, chàng húng hắng ho vài tiếng rồi nói với vẻ không bận tâm gì: “Tết Thanh minh anh sẽ đi cùng mẹ, em cứ yên tâm nhé”.
Trái tim Gia Hảo thắt lại nhưng miệng vẫn đáp: “Em có lo lắng gì đâu. Em phải lo lắng gì chứ, em có việc phải làm thật mà, đúng là chẳng biết phải làm sao bây giờ”.
“Ừ, anh sẽ giải thích cho mẹ biết”. Thiếu Hàng ôn tồn đáp.
Cô bỗng thấy áy náy trong lòng, muốn nói thêm vài câu nhưng bị anh giục đi ngủ: “Đã bảo nghe lời anh không được thức khuya còn gì? Bình thường chẳng có việc gì em cũng mò mẫm đến tận một hai giờ đêm mới chịu đi ngủ. Giờ có phải thành tật rồi không đấy?”.
Bị chàng nhắc nhở một tràng, cô chậm rãi đáp: “Thôi mà, em đi ngủ đây. Anh đừng làm khuya quá nhé!”
Lặng lẽ cúp điện thoại, cô cuộn mình vào trong chăn và bắt đầu xem bộ phim có từ lâu lắm rồi trên máy tính.
Trong phòng họp ánh đèn sáng choang, Thiếu Hàng bỏ kính cận ra khỏi mắt, rời khỏi ghế ra đứng trước ô cửa sổ. Anh thấy mỏi và nhức mắt vì phải nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính mười mấy tiếng.
Những ngày tháng sắp tới, cộng với sự phản ứng của cô vợ yêu quý, trong lòng anh thấy buồn bực không yên.
Ngoài trời tối đen như mực, cả thành phố đang chìm sâu trong giấc ngủ dưới ánh đèn đường vàng vàng mờ ảo.
Ngày hôm sau, hai đồng nghiệp hẹn hò ra ngoại ô thị trấn leo núi, khớp gối cô bị đau nên không đi. Một mình đi đến Đài truyền hình. Trên đường đi cô rẽ qua mua ít bánh ngọt để làm quà. Chiêu bài của cô chính là nụ cười quyến rũ, nụ cười ấy chân thành, rạng rỡ chẳng khác gì ánh nắng bừng lên trong mùa đông, ai thấy cũng mê.
Thấy người bận rộn cô nói vài câu khách sáo rồi rút lui cho nhanh, gặp người nhàn nhã như mình cô tán dóc lâu hơn, toàn bàn tán về những chủ đề vô thưởng vô phạt. Ba ngày trôi qua như vậy, toàn bộ Đài truyền hình từ trên xuống dưới đều quen cô hết.
Ngày bốn tháng tư, sáng bảnh mắt ra mắt cô đã giật liên hồi. Các cụ hay nói mắt trái nháy báo hiệu điềm lành, mắt phải nháy là báo hiệu điềm dữ. Nhưng mà cả hai mắt cô cứ thay nhau nháy liên tục thì là lành hay dữ đây?
Thấp tha thấp thỏm đến bảy giờ, tầm này ba mẹ đều đã dậy. Có khi ba cô còn đang xuống dưới khu chung cư mua đồ ăn sáng rồi ấy chứ, mẹ nhất định đang rửa ấm chén để pha trà. Cô gọi điện về nhà bị mẹ chất vấn y như dự đoán: “Con đi huyện Chương từ bao giờ thế hả? Sao bây giờ mới nói cho mẹ biết?”.
“Con đi hôm mùng một, đi gấp quá, nhưng con nói với chồng con rồi mà...”.
“Đừng có đem chồng ra làm bia đỡ đạn. Giờ có thấy bóng dáng, tăm hơi nó đâu hả?” Mẹ cô bực bội nói.
Cô sững người trong giây lát rồi vội nói: “Mấy hôm nay anh ấy cũng đi công tác ở bên ngoài, nhưng chồng con nói rồi anh ấy sẽ tranh thủ về qua nhà mà”.
Bà Hoàng Tu Dĩnh, mẹ cô, im lặng và rồi thở dài rồi buồn bã nói: “Mẹ biết ngay mà, các con có ai để tâm đến việc tảo mộ đâu!”.
“Mẹ, con...”.
“Thôi khỏi phải khéo chống nữa. Con nghĩ gì ba mẹ đều biết hết”. Bà Dĩnh nói khẽ rất nhạt nhẽo. Bà còn nói: “Con không muốn đi sao không nói thẳng cho ba mẹ biết? Việc gì phải lấy cớ bận công việc này nọ”.
Máu nóng bốc hết lên đầu, cô nói: “Ba mẹ nói đúng đấy, đúng là con không muốn đi, nhưng chồng con đi là được rồi còn gì nữa!”.
“Được... được chứ sao không được. Có giỏi sau này cô đừng về đây nữa!”.
Cộp một cái, mẹ cô gác luôn điện thoại.
Cô bực quá bấm điện thoại luôn cho Thiếu Hàng, ai ngờ anh lại tắt máy, có lẽ là đang ở trên máy bay. Cô không biết phải làm sao, chỉ cầu khấn sao cho chồng mình sớm về, giúp mình mau chóng dập tắt cơn giận của mẹ.
Mỗi lúc thế này, cô cảm thấy trong lòng thật khó chịu mà không nói ra lời. Giống như là một nơi xa xôi đang dụ dỗ cô, chỉ cần tiến thêm chút thôi là quả pháo xịt là cô cũng sẽ nổ tan tành.
Không phải là những lúc ương bướng thì tình cảm và lý trí luôn ở thế đối lập nhau, mà hai thứ này luôn va chạm, kêu gào trong đầu óc cô. Lý trí chiến thắng tình cảm, cô sẽ lùi bước; còn tình cảm chiến thắng lý trí, cô sẽ nhấc chân lên sải bước về phía trước, và trong đầu luôn ẩn hiện một hình bóng thật cao thật dài và một khuôn mặt dịu dàng, hiền hậu. Đôi mắt trên khuôn mặt ấy sáng long lanh và sâu thăm thẳm. Ánh mắt ấy đủ để đầu óc nóng nẩy của cô quay về con số không tròn trĩnh.
Phật giáo có nói đến luật nhân quả, có nhân ắt có quả. Thế sao họ gây ra nhân gì thì tại sao lại phải kéo cô một người ngoài cuộc để gánh cái quả ấy.
Đến giờ cô vẫn chưa thể nào hiểu nổi.
Hôm sau, cô ôm lấy cuốn sách rồi ngồi suốt cả ngày trong phòng hội nghị của Đài truyền hình, ngay cả bữa trưa cũng chẳng buồn nhấc mình ra khỏi ghế xuống dưới tầng ăn trưa. Khoảng thời gian này anh gọi điện thông báo đã về đến nhà, cô còn nghe rõ mẹ mình đang tiếng bấc tiếng chì ở bên cạnh nên chẳng buồn nhiều lời.
Chạng vạng tối, trên đường về khách sạn cô bỗng thấy đầu nặng như chì, chân nhẹ bỗng. Cô đoán chắc là do không khí trong phòng họp không thông thoáng nên não bị thiếu oxy. Cô vội vẫy một chiếc xe bus nhỏ, cũ rích lên ngồi ở gần cửa sổ. Lái xe hỏi đi đâu cô đáp luôn: “Đến bến cuối!”
Chẳng ngờ chiếc xe bus này lại đi đến thị trấn bên cạnh, vừa đi vừa bắt khách ven đường, mãi 8 giờ tối mới đến trạm xe bus ở thị trấn bên cạnh. Gia Hảo xuống xe, cô bị vài người đi đường vội vã va vào mấy lần, khó khăn lắm mới tìm được một cửa hàng tạp hoá nho nhỏ. Cô v ộ i cầm chai nước suối hỏi tiền để trả, tay thò vào trong túi khoắng một hồi giật mình nhận ra ví và điện thoại đều không cánh mà bay....