Cô nhếch mép cười khẩy: “Ba à, ba đang trình bày báo cáo khoa học đấy à? Một hai ba liệt kê rõ ràng, mạch lạc thế. Để con liệt kê thêm vài điều nữa cho ba nhé. Một là, nếu anh ấy coi con là người thay thế, con không trách anh ấy. Người gây ra vấn đề không phải là anh ấy mà là ba mẹ; thứ hai, con vẫn thấy khó hiểu về vụ tai nạn hôm ấy, quá nhiều điểm nghi vấn. Vụ tai nạn xảy ra như thế nào con không nhớ nổi. Anh ấy không chịu nói nên đó vẫn là một bí mật. Chắc chắn con sẽ tìm mọi cách để có được lời giải. Lúc ấy con sẽ nói cho ba mẹ biết, còn giờ đề nghị hãy chấm dứt ngay trí tưởng tượng phong phú của ba mẹ đi. Thứ ba, anh ấy là người như thế nào ư? Điều này ba mẹ phải suy nghĩ cách đây năm năm khi đẩy con gái mình cho anh ấy chứ? Lúc ấy không nghĩ giờ cần gì phải nghĩ nữa. Con có não, não con hoạt động tốt lắm, biết phân biệt phải trái đúng sai. Dù con không có được chỉ số IQ thông minh như Gia Hảo, chí ít con cũng không phải là đứa thiểu năng đần độn”.
Nói một mạch xong cô thấy ba mẹ mình mặt trắng bệch ra. Cô cứng rắn đứng lên: “Chính ba mẹ đã hủy hoại mọi lý tưởng của đời con. Con biết mình chẳng ra gì trong mắt ba mẹ. Con tin rằng việc ba mẹ biến con thành Gia Hảo có 10% là để tốt cho con. Giờ xin ba mẹ hãy ngừng ngay những suy đoán này nọ, cho con thêm thời gian, con không muốn võ đoán và cũng không muốn định tội một người chỉ dựa vào một cuốn nhật ký. Để con điều tra rõ ràng sự thật vụ tai nạn năm xưa có được không, cũng như ba mẹ nói là còn có điều bí ẩn khác ấy?”.
“Ưu à…”, ông Thu dường như vẫn muốn nói điều gì.
“Hãy để nó tự điều tra”.
Bà Dĩnh ngắt ngang lời chồng, nhìn chằm chằm vào mặt con gái: “Con lúc nào cũng gào lên là muốn điều tra rõ chân tướng sự việc. Giờ chúng ta cho con điều tra đấy, chúng ta không nghĩ oan cho người tốt đâu, nhưng tuyệt đối không để em gái con chết không nhắm mắt! Ta đợi kết quả của con. Cho con đúng hai háng để tìm hiểu đấy. Chúng ta sẽ chờ. Nếu chứng minh được những gì chúng ta đoán là sai thì từ nay không bao giờ can thiệp vào việc của hai đứa nữa. Nhưng nếu điều tra ra Thiếu Hàng chính là hung thủ giết em gái con, ta sẽ không tiếc cái mạng già này bắt nó phải đền mạng”.
Cô xốc hành lý nặng nề cho lên vai rồi ra khỏi nhà.
Trên trời mây đen vần vũ, đen kịt lại như sắp có trận mưa rào.
Lòng cô rối bời, có mấy ngày trời mà xảy ra bao nhiêu chuyện, áp lực quá khiến cô thở không ra hơi.
Về đến nhà, cô thay dép lê ở ngay cửa. Cơ thể như mất hết mọi năng lượng, thẫn thờ ngồi thừ ngay trên sàn nhà.
Mới xa nhà có vài ngày mà chẳng khác gì mấy thế kỷ.
Nhìn quanh nhà, từ thiết kế đến bài trí và mua sắm đồ dùng đều một tay Thiếu Hàng làm hết. Cô không có ý kiến gì. Hôm chuyển đến ở, khách đến đầy nhà, cô cũng khoanh tay đứng nhìn, lặng lẽ nhìn anh đi ra đi vào bận rộn.
Khi ấy cô vừa trải qua một trận ốm nặng, nhìn cuộc đời với ánh mắt tăm tối, chán ghét mọi người và mọi việc. Tính tình tồi tệ đến mức chẳng ai chịu nổi, cũng may là Thiếu Hàng không bị chọc tức đến độ phải bỏ đi. Cô lạnh nhạt, anh lại càng nhiệt tình. Cô cố ý nói những lời khó nghe, làm không khí giữa hai người trở nên khó xử, bế tắc. Còn anh lại cố tìm mọi cách để quan hệ được ấm lại. Cô gây họa, anh là người đi theo giải quyết hậu quả, nhất nhất việc gì cũng chiều theo ý cô. Ngay cả ba mẹ hai bên cũng không chấp nhận nổi sự nuông chiều cô của anh.
Vết xăm ấy cô cùng với mấy cô bạn thân rủ nhau đi xăm hồi học lớp 10. Đó là hình xăm biểu tượng của chòm sao Thiên xứng. Lúc về không dám nói cho ba mẹ biết, vị trí xăm cũng kín đáo nên vài năm trôi qua cô quên mất hình xăm này. Mãi đến trước khi lấy chồng mẹ cô đột nhiên hỏi: “Đã xóa hình xăm chưa hả?”, cô mới chợt nhớ ra. Xóa hình xăm còn đau đớn hơn lúc xăm rất nhiều. Cô nằm bò ra mồ hôi cứ đổ ròng ròng, bạt khóc nức nở chẳng khác gì đang bị đày đọa.
Còn nhớ cuốn sách nào đó nói rằng, muốn rèn luyện một thói quen tốt cần ít nhất khoảng thời gian liên tục là hai mốt ngày. Năm năm qua, cô không biết mình đã bỏ được bao nhiêu thói quen cũ và rồi rèn được bao nhiêu thói quen mới.
Và cái thói quen lớn nhất chính là cô đã quen với cuộc sống có anh bên mình. Thói quen này được cô liên tục rèn trong năm đầu 365 ngày. Thiếu Hàng đối với cô chẳng khác gì ngọn đuốc trong đêm đen mịt mùng, cô chẳng khác gì con thiêu thân lao vào lửa, tự dưng bị cuốn vào và cuối cùng thì không thoát ra nổi.
Cô ngâm mình trong bồn tắm cho thoải mái tinh thần. Sau đó nằm lên chiếc giường êm ái, trong lòng thấy xúc động muôn phần. Lần cuối cùng ôm ấp anh ở trên chiếc giường này cô vẫn là Trì Gia Hảo, đeo chiếc mặt nạ của người khác. Giờ cô đã là chính mình.
Bỗng nhiên cô nhớ đến vòng tay của anh.
Cô cầm điện thoại định bụng gọi điện cho anh. Trong lúc bấm số cô chợt nhớ tới lời ba mình nên không gọi nữa.
Cô vẫn chưa muốn buông xuôi từ lúc ban đầu bị động đến bây giờ, hình bóng của em gái cô vẫn cứ bao trùm lên cô.
Là người may mắn sống sót sau vụ tai nạn, Gia Ưu không tài nào nhớ nổi nguyên nhân cũng như những gì xảy ra hôm ấy. Cô tỉnh lại sau cơn mê, đầu trống rỗng trong vài hôm liền.
Khi cơ thể dần hồi phục lại, đầu óc cũng tỉnh táo hơn, nhưng thật khó hiểu là cô hoàn toàn bị trống về khoảng thời gian xảy ra vụ tai nạn. Cố gắng nghĩ thế nào cô cũng không nhớ nổi bất cứ điều gì.
Tìm ra sự thật chính là việc quan trọng nhất. Nhưng bắt tay từ đâu đây, cô chẳng hề có manh mối nào.
Mở máy tính xách tay ra, cô gõ tư liệu tra trên google. MSN của cô cài đặt đăng nhập tự động khi mở máy. Tiểu Đóa nhanh chóng nhận ra sự có mặt của cô và hỏi: “Đang ở đâu thế?”.
“Ở nhà, tớ về rồi”.
“Đoán ra rồi. Sáng sớm tớ gặp Thiếu Hàng. Này, sao cậu không giữ chàng ở lại hả? Tớ cũng muốn được nghỉ thêm ngày nữa đấy”.
Gia Ưu gửi Đóa thông tin mình vào mạng tìm kiếm.
Lát sau Đóa nhắn lại: “Đang nghiên cứu cái này à?”.
“Tớ đang thử xem có nhớ nổi gì về vụ tai nạn ấy hay không”. Gia Ưu nghĩ ngợi và dặn thêm một câu: “Đừng để anh Hàng biết nhé!”.
Mãi không thấy Tiểu Đóa nhắn gì, cô quay sang tìm tài liệu. Lôi sổ để danh thiếp ra tìm vì nhớ hồi làm phóng viên cô đã từng phóng vấn một bác sĩ tâm lý.
Lật đến trang thứ ba cô đã tìm ra danh thiếp ấy. Cô rút danh thiếp ra cắm cúi ghi vào sổ tay.
Ngồi trước mặt là một người đàn ông mặc comple với khuôn mặt hiền lành, cười nhẹ nhàng. Bác sĩ giữ nguyên khuôn mặt tươi cười rất chuyên nghiệp, không hề để lộ nét kinh ngạc hay đồng cảm khi lắng nghe cô tâm sự.
“Bác sĩ Lã à, tình trạng của tôi có phải là do tâm lý không?” Gia Ưu hỏi.
“Không giống”. Bác sĩ Lã đẩy chiếc kính gọng vàng ở trên sống mũi, nói khẽ: “Nghe cô kể, tôi nghĩ vấn đề của cô không nghiêm trọng lắm, chỉ mất một đoạn kí ức. Có lẽ là thử thôi miên và uống thêm một vài loại thuốc hỗ trợ là ổn. Tuy nhiên trong quá trình điều trị có thể cô sẽ cảm thấy đau khổ về tinh thần, mệt mỏi về thể xác, nên cô cần chuẩn bị sẵn tâm lý”.
Gia Ưu tò mò: “Có phải giống như ở trên phim không?”.
“Tất nhiên là không phóng đại như thế rồi. Thực ra thôi miên không hề huyền bí như chúng ta nghĩ. Chỉ là vận dụng liệu pháp tâm lý để dẫn dắt con người quay trở về những chuyện họ đã quên trong quá khứ”.
“Đoạn ký ức ấy rất quan trọng với tôi. Xin bác sĩ thứ lỗi cho hành vi bất lịch sự của tôi, tôi muốn hỏi xem liệu tôi sẽ có bao nhiêu phần trăm tìm lại được trí nhớ ấy? Vì một số nguyên nhân khách quan nên tôi cần phải nhanh chóng hồi phục lại trí nhớ”....