Hai chân tôi mềm nhũn, gần như đứng không vững. Nhớ đến chuyện xảy ra ngày hôm đó, toàn thân tôi lạnh toát.
"Những kẻ ra tay chém người, phần lớn là đồng hương của hắn, là những thương nhân trong sạch không hề có tiền án. Người Triết Giang bình thường nói chuyện hòa nhã, đến lúc chém người không hề run tay. Em có thể đoán tên đó gây thù chuốc oán đến mức nào?"
"Vụ đó cuối cùng đã kết án chưa?" Tôi hỏi.
"Hơn ba mươi người tham gia, cảnh sát có thể tìm ai định tội chứ? Hội đồng hương xuất đầu lộ diện nhét ít tiền cho cảnh sát là xong. Chuyện xảy ra trong nội bộ người Trung Quốc, cảnh sát cũng chẳng thèm quan tâm".
Tôi không thể nói ra lời, hóa ra sự thật là như vậy. Thảo nào Tôn Gia Ngộ dặn tôi không được khai với cảnh sát.
Andre cũng từng nói, kể từ khi người Trung Quốc đổ bộ vào Odessa, tỷ lệ phạm tội tăng đến mức chóng mặt. Do nơi này xuất hiện xã hội đen người Phúc Kiến và Triết Giang nên những thương nhân Trung Quốc nhiều tiền dễ trở thành con cừu béo và mục tiêu của kẻ xấu.
Vậy mà nhiều người vẫn đặt chữ "lợi" lên hàng đầu, mạng sống chỉ xếp thứ hai, thương nhân quả là người kỳ quái nhất trên thế giới này.
"Có điều..." Tôn Gia Ngộ quay đầu cười nhạo tôi: "May mà thủ phạm là đám thương nhân, nếu em gặp phải xã hội đen thật sự, em bị giết người diệt khẩu từ lâu rồi".
Tôi bước chậm rãi sau lưng Tôn Gia Ngộ, cố gắng tiêu hóa câu chuyện biến thái của anh.
Ngôi nhà Tôn Gia Ngộ sinh sống có lối kiến trúc truyền thống kiểu Nga, nó vốn là của một quan chức chính phủ về hưu từ thời Liên Xô cũ. Trong nhà chỗ nào cũng xuất hiện dấu vết của năm tháng, đến tấm thảm trải sàn và rèm cửa đã cũ nhưng vẫn rất đẹp đẽ, phảng phất không khí cổ xưa.
Nhà bếp có phong cách Địa Trung Hải điển hình. Nhà bếp hình như vừa được sửa chữa lại, vài chỗ còn có vết lửa cháy đen. Bàn nấu ăn dụng cụ đầy đủ. Trên bếp ga đặt một cái chảo xào nấu của Trung Quốc.
Đây là một nhà bếp lý tưởng trong mộng ước của tôi, tôi reo lên một tiếng chạy vào bên trong: "Tôi làm món bắp cải chua cay nhé?"
"Em cũng biết nấu cơm cơ à? Tôi cứ tưởng nhà nghệ thuật là thần tiên không động đến khói bếp nhân gian". Tôn Gia Ngộ đứng ở cửa bếp cười cười.
"Anh mới là nhà nghệ thuật, cả họ nhà anh mới làm nghệ thuật". Tôi đáp trả anh.
Người không làm nghệ thuật lúc nào cũng tưởng nghệ thuật là lãng mạn xa vời lắm. Kỳ thực nghệ thuật cũng như các ngành nghề khác mà thôi, cũng gặp vấn đề sinh kế. Nếu không ăn no bụng thì nghệ thuật chẳng là gì cả, vì vậy "dân dĩ thực vi thiên" mới là chân lý vĩnh hằng. (Dân dĩ thực vi thiên: Dân lấy ăn làm trời)
Khi bắp cải và ớt khô được bỏ vào cháo dầu sôi sùng sục, cả nhà bếp cuồn cuộn khói nồng nặc, máy hút mùi kiểu Âu chỉ dùng để làm cảnh. Tôi bị sặc đến mức ho khù khụ, nước mắt chảy ròng ròng. Tôi đẩy cửa sổ để không khí lưu thông.
Vừa xúc thức ăn ra đĩa, tôi chợt nghe thấy tiếng gõ cửa dồn rập. Lúc đầu tôi không bận tâm nhưng bên ngoài tiếng đập cửa vẫn không ngừng vang lên, trong phòng không hiểu tại sao không có tiếng trả lời, tôi đành đi ra mở cửa, tay vẫn cầm cây xèng xào nấu.
Dây xích chống trộm ở cửa ra vào vừa tháo xuống, ai đó lập tức đạp mạnh cửa, hai người mang mặt nạ chống hơi độc xông vào nhà, đẩy tôi tới tận nhà bếp.
Tôi lùi lại phía sau vài bước đồng thời hét lớn: "Tôn Gia Ngộ!"
Tôn Gia Ngộ từ nhà tắm đi ra. Tôi hoảng hốt chỉ tay vào nhà bếp, miệng ấp a ấp úng.
Tôn Gia Ngộ không lên tiếng, anh nhấc cái ghế xông vào nhà bếp.
Tôi vội kêu lớn tiếng: Này...này...không phải...". Tôi vẫn chưa kịp dứt lời, Tôn Gia Ngộ mặt mũi nhăn nhó ra khỏi nhà bếp. Anh cẩn thận tiễn hai người đàn ông ra tận ngoài cửa.
Tôi hiếu kỳ thò đầu ra ngoài, thấy trước cửa đậu hai chiếc xe cứu hỏa.
Tôn Gia Ngộ quay lại, anh ngồi xuống ghế sofa đặt hai tay sau gáy thở dài: "Không biết ai nhiều chuyện thế, một tháng gọi cứu hỏa hai lần, chủ nhà sẽ quét tôi ra khỏi cửa mất".
Lần trước bởi vì Bành Duy Duy, mấy người hàng xóm đáng thương sợ xanh mặt. Tôi biết mình đã gây ra chuyện nên tránh sang một bên nhìn anh cười cười.
Nụ cười của tôi dường như chọc giận Tôn Gia Ngộ, anh trừng mắt: "Em còn cười nữa tôi sẽ cởi áo khoàng tắm ra đấy".
Đến lúc này tôi mới phát hiện anh chỉ mặc một cái áo choàng tắm, toàn thân vẫn đầy nước. Dây đai áo choàng buộc qua loa, có thể nhìn ra bên trong anh không mặc gì cả.
Mặt tôi đột nhiên đỏ bừng, tôi vội ngậm miệng quay ra chỗ khác. Tôi tin người đàn ông trước mặt nói được làm được.
Nhà bếp loạn hết cả lên, chỗ nào cũng phủ một lớp bọt trắng khá dày. Đĩa bắp cải chua cay của tôi tất nhiên không thể ăn được nữa, nồi thịt bò ở bên cạnh cũng bị liên lụy, tôi đành đổ hết vào thùng rác.
Tôi đúng là mất công chảy nước miếng, trong lòng vô cùng thất vọng nên không ngừng oán trách: "Những người này có mắt như mù, rõ ràng không có lửa bọn họ cứu hỏa gì chứ?"
Bắt gặp vẻ mặt chán nản của tôi, Tôn Gia Ngộ mỉm cười: "Được rồi, bây giờ em lại có việc để làm, quét dọn nhà bếp thôi".
Anh thay quần áo, cùng tôi quỳ xuống đất giải quyết hiện trường. Chúng tôi làm lau chùi suốt hai tiếng đồng hồ, mới dọn dẹp sạch sẽ nhà bếp.
Cả ngày tôi chưa nhét thứ gì vào bụng, đói đến mức da bụng dính chặt vào lưng từ lâu, bụng không ngừng kêu ùng ục. Do động tĩnh quá lớn, đến Tôn Gia Ngộ cũng nghe thấy. Anh quay lưng về phía tôi cười khùng khục, sau đó anh giật tấm rẻ lau trong tay tôi: "Để đó đi, khi nào về rồi tính sau, chúng ta ra ngoài ăn cơm".
Nhìn đồng hồ đã bảy giờ tối, tôi do dự đáp: "Ngày mai tôi còn phải lên lớp, anh hãy đưa tôi về nhà".
Tôn Gia Ngộ kéo tay tôi ra ngoài: "Tôi vừa nghĩ đến một nơi, chắc chắn em sẽ thích. Mau đi thôi, tôi cũng đói sắp phát điên lên rồi".
Bánh xe ma sát trên lớp băng đông cứng, Tôn Gia Ngộ lái xe về phía ngoại ô Odessa. Bên ngoài trời tối om, chỉ nhìn thấy tuyết bay trắng xóa ở đầu mũi ô tô, nơi có đèn pha chiếu sáng.
Không hiểu tại sao tôi đột nhiên cảm thấy sợ hãi, linh tính báo cho tôi biết sắp xảy ra chuyện gì đó. Tôi không nhịn được hỏi Tôn Gia Ngộ: "Chúng ta đi đâu đây?"
"Mang em đi bán!". Gương mặt anh không có bất cứ biển hiện nào, anh giơ ngón tay lạnh buốt vuốt ve cổ tôi. Biết rõ là anh nói đùa nhưng tôi vẫn nổi da gà.
Ô tô dừng trước một ngôi biệt thự nhỏ ở vùng quê. Tôn Gia Ngộ xuống xe bấm chuông. Một bà lão người bản xứ mở cửa đón chúng tôi.
Tôn Gia Ngộ quay đầu gọi tôi: "Triệu Mai, lại đây!"
Tôi chầm chậm bước tới, anh nắm tay tôi giới thiệu với bà lão: "Nina, đây là bạn cháu".
Bà lão mỉm cười gật đầu với và đưa chúng tôi vào trong nhà. Tôi chú ý thấy cơ thể bà gần như nghiêng về một bên, một chân dường như không thể điều khiển, khiến bà đi lại rất khó khăn. Nhưng bà vẫn cố giữ tư thế thẳng lưng.
Tôi dùng lực bóp tay Tôn Gia Ngộ. "Thảm họa nguyên tử Chernobyl". Anh nói nhỏ bằng tiếng Trung.
Tôi từng có ấn tượng sâu sắc khi xem ảnh về vụ tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân. Không ngờ mấy chục năm sau, tôi có thể gặp người bị hại của vụ thảm họa đó....