Nhưng ngôi nhà nằm trong một cái ngõ vừa nhỏ vừa sâu, trong một xóm chỉ có ba nhà và hai nhà kia suốt ngày đi vắng, cửa đóng im ỉm. Ui, chao ơi là… thiên nhiên!
Tắm mưa! Ngồi bệt giữa sân, ngửa cổ cho mưa đập vào rát mặt, bao bức bối chất chứa trong lòng như gột sạch và trôi tuột theo mưa (dù đổi lại là trận ốm hai ngày)!
Bỗng dưng thấy lưu luyến và yêu thân “cái nhà vớ vẩn” này quá! Nghĩ buồn cười cái cửa gỗ than thở, lại bần thần: “Mình còn thở than nhiều hơn!...”.
5h:
Trời tang tảng sáng. Chợt giật mình nghe tiếng cọt kẹt giường gỗ. Con chị vội vã chui vào màn, vờ ngủ. Mẹ biết nó thức đến giờ này sẽ ca cho một bài no đến trưa!
Mắt đã khép nhưng nó không buồn ngủ. Từ hồi ở nhà này, đây là lần đầu tiên nó thức qua đêm. Nên nó cũng không muốn ngủ, để đêm trắng… toàn tập!
Thế là dù mắt nhắm, tai nó vẫn căng ra nghe ngóng.
Có tiếng giở màn sột soạt sau đó là tiếng chân đi rất nhẹ. Vậy là mẹ đã dậy.
Một lát, có tiếng cọt kẹt cửa gỗ. Tiếng cọt kẹt chầm chậm và nhè nhẹ ít ồn ào hơn cả kiểu “mở siêu tốc, đóng thật nhanh” của chị em nó, khiến nó không nén nổi tò mò mà xoay mình, mở mắt ti hí để được “mục sở thị”. Hai tay giữ chặt cánh cửa, chân để sát vào mép cửa; thêm một miếng giẻ nhét vào cạnh cửa. Và mẹ nó, đang thật chậm, thật kiên nhẫn làm từng ấy thao tác, cốt để cho cánh cửa khỏi kêu.
Mẹ đi đâu ra ngoài vào lúc sớm thế này?
Nó chun mũi đăm chiêu rồi thốt nhiên khựng lại. Phải rồi, những bữa sáng mỗi hôm một kiểu cho ba bố con; những đồ ăn chống đói lúc nào cũng đầy tủ lạnh… Mẹ có thể đi chợ lúc nào, nếu không phải sáng sớm?
Nhưng nếu chỉ chợ búa, mẹ có cần dậy sớm thế này không? Chợ gần nhà, 20 là quá đủ!
Trở mình băn khoăn. Từ cái gối êm thật êm toả ra mùi thơm của nắng. Nó sực hiểu. Máy giặt không dùng được ở đây. Những chậu quần áo to tướng hàng ngày đều do một tay mẹ giặt rồi phơi trước sân “cái nhà vớ vẩn”. Cũng chính tay mẹ thu và gấp. Để nó đi giảng giải cho bọn ở lớp đầy vẻ sành sỏi: mặc quần áo giặt tay, hong khô bằng gió với nắng thì thích hơn quần áo giặt rồi sấy trong máy nhiều!
Khẽ khàng, một giọt nước tròn, to và trong veo rơi bộp trên gối, khi nó bỗng nghĩ đến cái câu người ta thường nói, mà nó vẫn cho rằng quá ư trừu tượng: “Ta chẳng biết ta có gì cho đến khi mất nó, cũng chẳng biết ta thiếu gì cho đến khi có nó.”…