- Mọi người đâu hết rồi bác? - Tôi nhìn quản gia, chậm rãi hỏi. Mới có ba ngày mà sao lạ lẫm thế này?
Thay vì trả lời tôi, ông ấy nheo nheo đôi mắt đã mờ đi phần nào, ái ngại nhìn Ngạo Quân đang đứng bên cạnh tôi.
Tôi cũng theo đó nhìn cậu ta. Thằng nhãi này đã làm gì với gia nhân sao?
- Đuổi hết rồi. - Hai tay bỏ túi quần, Ngạo Quân rất bình thản trả lời bằng giọng khàn khàn, mang theo một chuỗi lạnh lùng không cảm xúc.
- Đuổi toàn bộ? - Đông như vậy mà cậu ta nói đuổi hết? Ăn rồi đánh nhau không đã hay sao mà còn bắt nạt người làm ở nhà?
- Mấy chục con người mà hộp sữa hết hạn cũng không phát hiện ra thì giữ làm gì? - Ngạo Quân vẫn bình thản nói một câu dài hơn bình thường, mắt hồ ly nhỏ hẹp nhàn nhạt nhìn tôi. Sữa hết hạn? Ý cậu ta là hộp sữa tôi đã uống phải để rồi ngộ độc sao? Tôi có mơ mộng lắm không khi nghĩ vì mình mà mọi người mất việc?
Trong khi tôi còn đang đứng phân tích xem liệu mình có bị điên không mà nghĩ Ngạo Quân vì tôi nên đuổi việc người làm, cậu ta đã thong dong hai tay xỏ túi quần, một mạch đi về phòng.
Tôi không phải là đứa dễ cảm động, cũng khá bàng quan với mọi việc xung quanh. Nhưng đối với hành động lần này của Ngạo Quân, trong lòng lại có chút gì đó không yên. Có lẽ vì cậu ta vốn kiệm lời, vốn thờ ơ, vốn lạnh nhạt với mọi thứ, giờ lại vì tôi mà làm một chuyện hơi quá đáng, ba ngày trước còn là người duy nhất xuất hiện trong phòng khi tôi tỉnh lại, sau đó còn ở đó như một bóng ma thinh lặng suốt ba ngày liền. Không lẽ cậu ta... thật sự đã xem tôi là em gái? Thằng nhãi đó cũng có khái niệm tốt với người nhà sao?
Nhưng chút cảm động của tôi chưa kịp bén rễ đã bị đánh bật. Thằng nhãi đó chưa bao giờ là người tốt. Tôi mượn vở chép bài, cậu ta cũng rất vui vẻ đưa, kết quả vở nguệch ngoạc được vài bài của những tiết hồi đầu năm. Cậu ta hoàn toàn không chép bài. Trong lớp nếu không gục đầu xuống bàn ngủ thì cũng gối đầu lên tay ngủ. Thế thì lúc tôi mượn không nên cho hay nói thẳng là không chép bài chứ. Đằng này còn chu đáo mang qua tận phòng cho tôi. Mẹ kiếp Ngạo Quân, cậu là thằng nhãi đáng chết!
Tôi âm thầm nguyền rủa, lòng bất mãn gác lại việc chép bài qua một bên, cần mẫn đọc sách, đánh dấu những phần không hiểu để tìm gặp giáo viên hỏi lại, cứ thế chăm chú cho đến khi bên ngoài cửa có tiếng gõ.
Luyến tiếc bỏ cuốn sách xuống, tôi ra mở cửa phòng, bắt gặp ông quản gia đang bưng một cái khay, bên trên là một chén cháo, một dĩa trái cây, ly nước cùng thuốc.
- Cháu ăn đi! Ăn xong để đó lát bác lên dọn. - Ông quản gia trông rất hiền, lúc mỉm cười đuôi mắt nhăn nhăn phúc hậu.
- Dạ. - Tự nhiên tôi cảm thấy ngại. Khổ thì chưa từng khổ nhưng tôi cũng chưa từng được nuông chiều đến mức có người hầu hạ thế này. Mọi ngày tôi đều rất tự giác xuống nhà ăn tối sau đó đi làm. Bữa nay vì vẫn còn đang trong thời gian xin nghỉ để dưỡng bệnh, tôi không đi làm, cộng với việc đọc sách quên thời gian, cuối cùng lại để cho người già cả hầu hạ mình thế này.
Đón lấy cái khay, tôi trở lại phòng, đến ngồi trên bộ ghế sofa đẹp đẽ. Từ lúc dọn đến đây, tôi chỉ mới dùng bàn học, phòng tắm, giường ngủ và tủ đựng quần áo. Còn lại sofa, bộ bàn trà bên cửa sổ, dàn máy tính, laptop, bộ đồ điện tử cao cấp... tất cả tôi đều chưa đụng qua. Một phần vì không có thời gian, phần còn lại cũng không có hứng thú với những thứ đó.
Cuộc sống ở đây quả thật rất tốt, tốt đến mức làm con người ta trở nên thụ động. Với một đứa trong lòng vẫn luôn tự nhủ những điều tốt đẹp đều sẽ có hồi kết không ngờ tới như tôi thì sẽ luôn mang trong mình cảm giác lo lắng. Chính vì vậy mà dù có sung sướng đầy đủ, tôi vẫn giữ mình ở một khoảng cách vừa phải, không quá tận hưởng cùng nuông chiều bản thân. Nếu không, sau này khi mọi điều tuyệt vời kết thúc, tôi sẽ rất khó thích nghi.
Ăn xong, tôi đương nhiên không đợi ông quản gia lên dọn dẹp, tự giác mang đồ xuống. Người đã bị Ngạo Quân đuổi đi hết rồi nên nhà vắng vẻ hẳn. Qua cửa sổ, tôi thấy ông quản gia đang tưới cỏ, còn Ngạo Quân có lẽ đã ra ngoài. Tối nào cậu ta cũng đi chơi và trở về nhà khi trời gần sáng, rồi sau đó lại dùng lớp học để ngủ. Có điều tôi thấy cậu ta không đi cùng Văn và Khoa. Xem ra Ngạo Quân còn một nhóm bạn khác và “bộ ba hoàng tử” cũng không thân thiết như người ta vẫn nghĩ.
Tôi rửa sạch chén đĩa của mình, úp lên kệ cho ráo nước rồi trở về phòng. Không phải đến chỗ làm nên tối nay khá nhàn rỗi, vì vậy tôi tự nuông chiều bản thân một chút bằng việc ngâm mình trong bồn tắm để nước ấm massage cơ thể. Tôi thích được thư giãn thế này, cảm giác như quay về cái thời bé con còn tắm trong chậu. Khi đó cả người vòng chân ngồi vừa vặn trong chiếc chậu nhựa, lềnh bềnh nổi trên mặt nước là vài cái nồi nhựa mà tôi dùng để chơi đồ hàng. Lúc đó, mỗi khi đi tắm, tôi thường nghịch nước rất lâu, mãi đến khi ba mặt mũi đen nghịt cầm cái khăn bông đứng chờ sẵn, tôi mới miễn cưỡng rời khỏi chậu nước, cuốn mình vào khăn và theo ba lên phòng mặc đồ. Tôi biết có một vài thiếu nữ thích cảm giác đứng nhắm mắt dưới vòi hoa sen, còn tôi đến khi lớn lên vẫn thích ngồi trong chậu như thế. Có điều không có cái chậu nào chứa vừa tôi hết.
Đối với tôi, tuổi thơ là một bảo vật được nâng niu trong sự hồi tưởng đẹp đẽ. Những ngày tháng rất ngốc nghếch cùng vô âu vô lo, cả ngày với đám giặc trong xóm giăng nắng quần mưa, tối về được ba cõng trên lưng mà ru ngủ. Hồi đó nhìn mấy anh chị lớn một chút, cảm giác họ thật bí ẩn và cũng rất giỏi giang, lòng không ngừng trầm trồ cùng mơ ước mình mau chóng lớn lên. Bây giờ mới cảm thấy quả thật mình lớn lên quá nhanh, đánh rơi rất nhiều điều đẹp đẽ không còn nữa. Ngày ấy, tôi đương nhiên không ý thức được mình đang hạnh phúc. Có lẽ con người ta chỉ nhận ra giá trị thật sự của mọi thứ khi hồi tưởng vào lúc nó không còn nữa.
Mỗi người đều có một điều để nhớ nhung cùng luyến tiếc, có thể là một tình yêu dang dở, hay là một người bạn phải đi xa. Phần tôi, có lẽ điều luyến tiếc nhất chính là tuổi thơ. Nơi có ba, có Thế Anh khi còn bé, có những tiếng cười trong trẻo không gò ép, có thể thỏa thích khóc ầm ĩ trước mặt mọi người như một sự nhõng nhẽo, có thể cắn môi rồi chỉ thẳng vào mặt đứa mình không thích mà nói: “Ai chơi với mày.” Lớn lên, có tâm sự tốt nhất nên để trong lòng, ai cũng đều có nỗi khổ của riêng mình, sẽ rất mệt mỏi cho họ khi nghe thêm chuyện không vui của mình. Lớn lên, không phải cứ bảo khóc là khóc như mưa, mặc kệ có ai đang nhìn thấy hay không. Con nít khóc lóc trông rất đáng yêu, nhưng mà người lớn thì lại trông rất ngu ngốc trong mắt người khác. Lớn lên, có ghét ai tốt nhất chỉ nên tránh không tiếp xúc, không thể nói thẳng vào mặt người ta là tôi ghét cậu. Việc ghét một người ra mặt quả thật rất mệt mỏi. Xỉa xói rồi còn phải tận dụng cơ hội để nói xấu người ta, sau đó lại lo lắng mình có bị nói xấu như vậy hay không. Nói chung, lớn thật là mệt mỏi.
Trong con người tôi có lẽ tồn tại khá nhiều nhân cách. Tôi là đứa ghét hồi tưởng, nhưng lúc rảnh rỗi lại không ngừng nghĩ ngợi về tuổi thơ. Ngay cả trong những giấc ngủ, tôi hầu như chỉ mơ về những năm tháng non nớt của mình. Việc có một hồi ức đẹp để luyến tiếc là một điều may mắn. Mỗi khi mệt mỏi, khi ấm ức, khi gục ngã, tôi đều sẽ chạy về bên ba mình, bên bốn cậu bạn luôn bênh vực tôi, cứ thế mải miết hồi tưởng để tìm kiếm bình yên. Thực chất, việc tìm bình yên bên một người ở hiện tại hay trong quá khứ đều là may mắn. Bởi vì quan trọng là tôi có thể tìm thấy bình yên của mình....